Những đốm lửa nhen nhóm Cuối quý 1/2008, mức tăng trưởng tín dụng đạt đỉnh điểm 63%, trong đó, một phần không nhỏ được bơm vào bất động sản...
Những đốm lửa nhen nhóm
Cuối quý 1/2008, mức tăng trưởng tín dụng đạt đỉnh điểm 63%, trong đó, một phần không nhỏ được bơm vào bất động sản, chứng khoán.
Từ góc độ nhà đầu tư, cơn say tăng trưởng và lợi nhuận đã cuốn hút một lượng rất lớn nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Tình trạng bỏ việc công sở đi đánh chứng khoán xảy ra như cơm bữa, đơn giản vì lợi nhuận trong vài tháng có thể bằng thu nhập làm công ăn lương trong cả năm.
Các tay chơi lớn trên thị trường lúc đó không chỉ là các ngân hàng, công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, mà còn sinh sôi rất nhiều các quỹ thành viên tự phát, những doanh nghiệp tham gia đầu tư tài chính, những nhóm nhà đầu tư góp tiền đầu tư chung, thậm chí các nhóm này còn liên kết với nhau.
Lớp nhà đầu tư mới này thực tế đa số chưa hề chứng kiến một “thị trường con gấu” thực sự nào. Thị trường chứng khoán Việt Nam có khoảng 4 năm nguội lạnh, từ 2002 đến 2005, nhưng số lượng nhà đầu tư tham gia thời điểm đó không nhiều. Nhảy vào giữa một thị trường giá lên dài hạn dễ khiến nhà đầu tư bị cuốn vào cơn say tăng trưởng.
Bỏ qua những rủi ro về chỉ báo vĩ mô, ngay từ cuối tháng 2/2007 (chính xác là ngày 23/2/2007), một bài viết của một tác giả có tiếng với tiêu đề: “Cơn lốc trên thị trường chứng khoán Việt Nam: Đánh vần chữ bong bóng thế nào?” (http://www.dailyreckoning.com.au/vietnam/2007/02/23/) đã chỉ ra: “Nguồn gốc của sự bùng phát trên thị trường chứng khoán Việt Nam là gì? Một phần câu trả lời là từ tiến trình cổ phần hóa và hướng theo nền kinh tế thị trường. Nhưng phần quan trọng hơn của câu trả lời, là có quá nhiều tiền dư thừa và nó sẽ tìm đến bất cứ chỗ nào có lợi nhất”.
Hậu quả của việc tăng trưởng nóng từ cuối năm 2007, đầu 2008 đã bắt đầu bộc lộ rõ ràng hơn trên các chỉ số vĩ mô.
Trong quý 1/2008, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng với tốc độ bình quân 3,06%/tháng. Đến hết quý này, CPI đã tăng 16,37% so với cùng kỳ năm trước. CPI đạt đỉnh tăng vào tháng 8/2008 với mức 28,3% so với cùng kỳ.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu
Nhằm hạ nhiệt nền kinh tế, ngay từ tháng 3/2008, Chính phủ đã đề ra 8 nhóm giải pháp với mục tiêu kiềm chế lạm phát và giảm thâm hụt thương mại. Từ tháng 2 đến tháng 6/2008, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần tăng lãi suất cơ bản, từ 8,75% lên 14%. Các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu cũng tăng theo.
Ngày 19/5/2008, lãi suất cơ bản được trả lại vai trò kim chỉ nam của thị trường lãi suất khi gắn với quy định của Luật Dân sự (Lãi suất cho vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản). Trước đó, các công cụ khác như tăng dự trữ bắt buộc đã được thực hiện trong tháng 1, phát hành tín phiếu bắt buộc được thực hiện trong tháng 3.
Sức ép của lạm phát cũng như hành động của Ngân hàng nhà nước đã khiến lãi suất của các ngân hàng tăng mạnh từ cuối quý 2/2008, dao động từ 16-18% đối với tiền gửi và từ 20-21% đối với các khoản vay. Đặc biệt các khoản huy động kỳ hạn ngắn có lãi suất rất cao và tuy thuộc vào từng ngân hàng để thu hút vốn. Các ngân hàng nhỏ khởi động cuộc đua lãi suất vào khoảng tháng 5-6, đưa lãi suất liên ngân hàng thời điểm đó lên mức kỷ lục 43% và nhiều ngân hàng trong nhóm này sẵn sàng huy động với lãi suất từ 19%-20%/năm.
Việc kìm hãm tín dụng quá gấp đã thổi bùng lên nguy cơ thiếu hụt thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2008, tiền đồng trở nên khan hiếm do các đơn vị nhập khẩu ghim giữ tiền đồng để đầu cơ trong khi các ngân hàng từ chối mua USD và tăng bán ngoại tệ. Thậm chí trong nửa đầu năm 2008, câu hỏi lớn nhất là: “Tiền đồng đã đi đâu”?
Thị trường chứng khoán sau sóng tăng cuối cùng vào tháng 10/2007 với VN-Index lên khoảng 1.100 điểm đã điều chỉnh giảm trở lại. Cho đến cuối năm 2007, chỉ số này về quanh 900 điểm, một mức điều chỉnh vẫn được coi là bình thường sau những sóng tăng nóng.
Tuy nhiên những biện pháp kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ ngay từ quý 1/2008 đã tạo nên cú sốc thanh khoản và lan tỏa đến toàn bộ thị trường tài sản. Giá bất động sản bắt đầu đảo chiều giảm, và thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức bước vào một chu kỳ sụt giảm do lo ngại bất ổn vĩ mô chứ không còn là điều chỉnh giá thuần túy nữa… ( Xem phần 1 - Tiếp phần 3 )
BÌNH LUẬN