Giá trị sổ sách (Book Value Per Share – BVPS) là gì ? Theo lí thuyết, giá trị sổ sách của một cổ phần thể hiện tổng số tiền thu được nếu t...
Giá trị sổ sách (Book Value Per Share – BVPS) là gì ?
Theo lí thuyết, giá trị sổ sách của một cổ phần thể hiện tổng số tiền thu được nếu thanh lý toàn bộ tài sản và sau khi trừ đi hết các khoản nợ phải trả của công ty. Đây sẽ là khoản tiền mà các cổ đông công ty có thể nhận được trong trường hợp công ty bị giải thể, phá sản…
Ồ thật tuyệt vời!
Vậy theo như lý thuyết trên khi tìm được một cổ phiếu trên thị trường có giá trên thị trường thấp hơn giá trị sổ sách (giá trị đích thực của doanh nghiệp) thì thực sự là đã tìm được một món hàng tốt bị định giá thấp. Nhận định này có thật sự đúng và đủ?
Sau đây là một bài viết mà mình có sưu tầm được về kinh nghiệm xương máu của một nhà đầu tư đã đầu tư theo chiến lược đó. Các bạn hãy cùng đọc và cảm nhận nhé!
“ Là một nhà đầu tư mới chập chững tham gia đầu tư chứng khoán từ đầu năm 2018, sau khi tham khảo các diễn đàn chứng khoán trên mạng, tôi đã chọn cho mình một phương pháp đầu tư tưởng chừng là hiệu quả, nhưng nó đã lấy của tôi hơn 70% tài khoản. Đó là nhìn vào giá trị sổ sách của cổ phiếu.
Benjamin Graham, ông tổ của trường phái phân tích giá trị đã từng nói rằng, hãy chọn cổ phiếu nhỏ hơn 1,5 lần giá trị sổ sách.
Cổ phiếu mà tôi lựa chọn chắc không xa lạ gì với nhiều nhà đầu tư, đó là KSA, tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận. Nhìn bề ngoài, một công ty có giá trị sổ sách là 10.700 đồng/cổ phiếu mà thị giá chỉ xung quanh 2.000 đồng/cổ phiếu là quá thấp, thấp hơn đến 5 lần giá trị sổ sách.
Trong đầu tôi chợt nẩy ra suy nghĩ, nếu công ty thanh lý hết tài sản và chia tiền cho cổ đông thì chắc cũng được trên dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, quá hời so với mức giá 2.000 đồng/cổ phiếu. Ngay lập tức, tôi rút hết số tiền tích kiệm gần 200 triệu mà tôi dự định dùng để cuối năm lấy vợ để mua cổ phiếu này, với hy vọng sẽ có một đám cưới tươm tất hơn. Nhưng đời chẳng như là mơ, giá cổ phiếu KSA tiếp tục sụt giảm mạnh, và chỉ còn 500 đồng/cổ phiếu. Số tiền gần 200 triệu tôi của tôi giờ cũng chỉ còn chưa được 50 triệu, và có kế hoạch lấy vợ của tôi cũng phải di dời sang năm sau.
Sau bài học này tôi rút ra được bài học là: tôi đã không để ý đến chất lượng tài sản của KSA. Các khoản phải thu ngắn hạn và tài sản dở dang dài hạn chiếm phần lớn trong tổng tài sản không những không đóng góp nhiều cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mà còn tiềm ẩn rủi ro mất vốn rất lớn. Nếu 'write off' hoàn toàn 2 khoản này và trừ đi các khoản nợ phải trả thì giá trị sổ sách của KSA thậm chí còn âm.
Tôi viết bài này với hy vọng nhiều nhà đầu tư sẽ không mắc phải sai lầm như tôi.
Nguồn : St – Nhà đầu tư- Lê Phương Hải ”
Như vậy, có thể dễ dàng thấy việc khi giá của cổ phiếu trên thị trường thấp hơn giá trị sổ sách chưa hẳn đã là một cổ phiếu giá hời, hệ số P/BV (Giá thị trường/ Giá trị sổ sách) thấp còn có thể là do doanh nghiệp đang gặp nhiều vấn đề trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đánh giá chính xác giá trị của một doanh nghiệp mới là quan trọng
Ngoài ra còn có một vài hạn chế của chỉ số BV, mình có liệt kê dưới đây để các bạn tham khảo:
Thứ 1: Độ trễ về thời gian:
Chỉ sau khi công ty cổ phần phát hành báo cáo tài chính thì nhà đầu tư mới biết được giá trị sổ sách của công ty đã thay đổi như thế nào qua các quí, năm.
Thứ 2: Không chính xác tuyệt đối
+ Giá trị sổ sách là một mục kế toán và có thể điều chỉnh và có thể không dễ hiểu và đánh giá giá trị.
+ Do các quy tắc thực hành kế toán liên quan đến khấu hao, một công cụ có thể bị buộc phải báo cáo giá trị cao hơn của thiết bị mặc dù giá trị của nó có thể đã giảm.
Thứ 3: Đánh giá không đầy đủ
+ Giá trị sổ sách cũng có thể không xem xét tác động thực tế của việc doanh nghiệp sử dụng máy móc, trang thiết bị làm tài sản đảm bảo cho khoản vay nào đó.
+ Tài sản vô hình như "Lợi thế thương mại" phải được loại trừ ra khỏi tài sản ròng vì những tài sản loại này không thể bán được (hoặc rất khó để bán) khi thanh lí.
+ Không đánh giá đến mức độ rủi ro với các khoản phải thu và các khoản tài sản dở dang, ….
Kết luận: Ngoài việc xem xét giá cổ phiếu (P), giá trị sổ sách (BV) trước khi đầu tư một cổ phiếu nào chúng ta cần tìm hiểu toàn diện các yếu tố khác liên quan đến doanh nghiệp để có cái nhìn tổng quát và chi tiết nhất.
Hãy luôn ghi nhớ mỗi một cổ phiếu bạn bỏ tiền ra mua là một tài sản của bạn. Bạn có muốn mua những thứ không đáng giá? Hãy có trách nhiệm với chính tài sản và tiền của chính mình!
Chúc các bạn luôn sáng suốt và đầu tư hiệu quả !
BÌNH LUẬN